Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Phân tích thuận lợi và khó khăn để phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên. Sự phân bố một số cây công nghiệp dài ngày ở Tây Nguyên. Các giải pháp đẩy mạnh việc phát triển cây công nghiệp

Tây Nguyên là một trong ba vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta. Anh (chị) hãy:
1. Phân tích những thuận lợi và khó khăn chủ yếu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên để phát triển cây công nghiệp ở vùng này.
2. Trình bày sự phân bố một số cây công nghiệp dài ngày chính ở Tây Nguyên.
3. Nêu ra các giải pháp chính để đẩy mạnh việc phát triển các cây công nghiệp.

* Trả lời:

1. Những thuận lợi và khó khăn chủ yếu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên để phát triển cây công nghiệp.
a. Thuận lợi.
- Đất đai:
+ Đất badan màu mỡ, có tầng phong hoá sâu, giàu chất dinh dưỡng.
+ Diện tích rộng, phân bố tập trung trên những mặt bằng rộng lớn, thuận lợi cho việc thành lập vùng chuyên canh quy mô lớn.

- Khí hậu:
+ Khí hậu có tính chất xích đạo với một mùa mưa và một mùa khô kéo dài, lại phân hoá theo độ cao. Ở độ cao 400-500m khí hậu khô nóng, trong đó nếu lên cao hơn 1000m, khí hậu lại mát mẻ. Vì vậy, ở đây có thể trồng cả các cây công nghiệp nhiệt đới (cà phê, cao su, hồ tiêu) lẫn các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt đới (chè).
+ Có sự phân mùa của khí hậu. Mùa khô kéo dài (4-5 tháng) thuận lợi cho việc phơi sấy, bảo quản sản phẩm.

b. Khó khăn:
- Mùa khô kéo dài, mực nước ngầm hạ thấp dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất.
- Đất đai bị xói mòn vào mùa mưa nếu lớp phủ rừng bị tàn phá.

2. Sự phân bố một số cây công nghiệp dài ngày chính ở Tây Nguyên.
a. Cà phê.
- Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất nước ta. Cây cà phê là cây quan trọng hàng đầu, chiếm khoảng ¾ diện tích cà phê của cả nước.
- Phân bố trên các vùng tương đối cao, khí hậu mát mẻ ở các tỉnh Gia Lai, KonTum, Lâm Đồng .

b. Chè.
- Phân bố chủ yếu ở các cao nguyên cao hơn gắn với điều kiện sinh thái của cây chè.
- Diện tích chè tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng và một phần ở Gia Lai. Chè búp được chế biến ở nhà máy chè B’lao (Lâm Đồng) và Biển Hồ (Gia Lai).

c. Cao su.
- Tây Nguyên là vùng trồng cây cao su lớn thứ 2 ở nước ta sau Đông Nam Bộ.
- Chủ yếu tập trung ở Gia Lai và Đắc Lắc.

3. Các giải pháp chính để đẩy mạnh việc phát triển các cây công nghiệp
a. Giải pháp về nguồn lao động.
- Tây Nguyên là vùng thưa dân, lực lượng lao động thiếu. Vì vậy, để phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp này, cần thu hút lao động từ các nơi khác tới, đặc biệt là lao động có trình độ.
- Sử dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo ra tập quán sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc.

b. Giải pháp về đầu tư.
- Đầu tư vào việc nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng (nhất là mạng lưới giao thông).
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật (các cơ sở chế biến, hệ thống thuỷ lợi để tưới nước trong mùa khô).

c. Giải pháp về tổ chức, quản lí.
- Củng cố hệ thống các nông trường quốc doanh, tạo ra mô hình trồng và chế biến cây công nghiệp. 
- Phát triển mô hình trang trại, kinh tế vườn…

d. Các giải pháp khác.
- Thu hút vốn đầu tư ở trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. 
- Đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người sản xuất. 
- Chú ý đến hệ thống chính sách khuyến khích người lao động.


Nguồn: www.kenhdaihoc.comTrích từ Sách Hướng dẫn Ôn tập và trả lời các câu hỏi Địa Lí *

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét