TUỔI TRẺ VÀ TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC
Bác Hồ, vị lãnh tụ cách mạng muôn vàn yêu quí của dân tộc Việt Nam. Người quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Ngay trong những ngày đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, dù bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn dành thì giờ viết thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường. Trong thư, Bác đã ân cần dặn dò: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.
Lời Bác Hồ dạy đã được bao thế hệ học sinh ghi nhớ và cố gắng thực hiện. Bác đã chỉ rõ cho lớp trẻ hiểu rằng, việc học tập của học sinh hôm nay sẽ quyết định tương lai đất nước ngày mai. Vì thế, học sinh cần cố gắng học tập tốt để làm vẻ vang cho đất nước. Không những Bác Hồ mà chúng ta cũng đang kì vọng vào thế hệ trẻ có mang lại vinh quang cho đất nước hay không?
Trong thời đại hiện nay, sức mạnh một dân tộc không phải chỉ ở binh hùng tướng mạnh mà còn là sức mạnh của trí tuệ, của khoa học kĩ thuật, của kinh tế hùng cường. Các nước lớn trên thế giới như Mĩ, Nhật, Anh, Pháp,… là các nước có nền kinh tế-xã hội cực kì phát triển thì cũng có rất nhiều nhân tài và luôn sẵn sàng cố gắng hết mình trong việc xây dựng đất nước, phát triển đất nước. Nhưng với nước ta, việc sánh vai với các cường quốc năm châu sẽ thành hiện thực khi những chủ nhân của đất nước là những người có trình độ học vấn cao, có khả năng hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới, năng động hơn, hiện đại hơn. Muốn vậy, không còn cách nào khác là chúng ta phải ra sức học tập thật tốt, học liên tục, không ngừng. “Học, học nữa, học mãi”. Quá trình học tập ở trường là thời gian cần thiết để học sinh tiếp thu những kiến thức cơ bản mà nhân loại đã tích lũy được qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhờ tích cực học tập, khi lớn lên, học sinh sẽ trở thành những công dân có kiến thức, có trình độ cao để xây dựng đất nước tiến kịp thời đại. Nhà nước chăm lo, tạo điều kiện cho tất cả trẻ em đến tuổi đều được đi học chính là vì tương lai lâu dài của đất nước.
Thực tế cho thấy, thành tích học tập xuất sắc của học sinh Việt Nam đã làm vẻ vang cho tên tuổi nước nhà. Từ những năm bảy mươi đến nay, năm nào nước ta cũng có học sinh dự thi Toán, Tin học, Tiếng Anh, tiếng Pháp … quốc tế và đoạt được giải cao, chẳng hạn như giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã học tập khi còn là học sinh đạt được giải cao tại Olympic toán học Quốc tế năm 1988 và 1989 . Trong các buổi lễ trao giải, quốc kì Việt Nam đã tung bay trong gió cùng quốc kì các dân tộc khác trên khắp năm châu. Quả là học sinh nước ta đã làm vẻ vang cho đất nước đúng như Ý nguyện của Bác Hồ.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhiều người tài giỏi đã thực sự dồn hết tâm huyết để xây dựng sự nghiệp và đạt được những thành công đáng kể. Đó là kết quả của những tháng ngày học tập miệt mài những kiến thức trong nhà trường và ngoài cuộc đời. Nhờ kiên trì học tập mà trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên, cuộc sống của bản thân, gia đình được ấm no đầy đủ, đồng thời họ cũng góp phần thiết thực, hữu ích để xây dựng đất nươc ngày một hùng cường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên nhủ, động viên học sinh học tập tốt ngay từ ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Khi ấy, nước ta vừa thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, thực trạng đất nước vô cùng đói nghèo và lạc hậu. Hơn chín mươi phần trắm dân chúng mùy chữ. Nạn đói vừa cướp đi một phần mười dân số, nhưng Hồ Chủ tịch đã hi vọng, tin tưởng rất nhiều vào tương lai của đất nước sẽ giàu đẹp, và người đã gửi gắm niềm tin, niềm hi vọng ấy vào thế hệ trẻ. Với lời lẽ chân thành, tha thiết, Hồ Chủ tịch đã làm cho các thế hệ học sinh nhận thức rõ hơn về trách nhiệm học tập của mình trước đất nước và dân tộc.
Tuy Bác đa đi xa, nhưng mỗi năm khi đến ngày khai trường, hàng triệu học sinh lại cùng nhau ôn lại lời căn dặn của Bác để cố gắng học tập tốt hơn, đáp lại lòng mong mỏi của Người là làm cho non sông Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.
ST
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét