>> Phong tục ngày Tết cổ truyền
>> Phong tục ngày tết Việt Nam
Dịp này, PGS. TS. Phan Thị Yến Tuyết - Giảng viên khoa Việt Nam học, trường Đại học KHXH & NV TP.HCM chia sẻ cùng độc giả cách chuẩn bị mâm cỗ cúng đúng “chuẩn”.
1. Lễ tiễn ông Táo về trời
Tết của người Việt bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về trời để ông báo cáo việc làm ăn trong năm của gia đình với Ngọc Hoàng. Mâm lễ cúng ông Táo có hương, nến, hoa quả, vàng mã, hai chiếc mũ cánh chuồn của đàn ông, một mũ đàn bà (không có cánh chuồn), ba cái áo giấy và một con cá chép (cá thật hoặc làm bằng giấy).
Lễ cúng thường diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 23. Cúng xong, đồ lễ được hóa vàng. Từ Nghệ An trở ra Bắc, dân gian cúng cá chép sống rồi phóng sinh hoặc nuôi trong giếng để cá trông coi gia đình. Dân vùng Nam Trung Bộ lại quan niệm lễ ông Táo chủ yếu là lòng thành, có gì cúng nấy nên rất dân dã. Đặc biệt, lễ cúng vùng này có bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở, ở miền Nam là món bánh mè hay còn gọi là “thèo lèo”.
2. Lễ cúng Tất niên
Dân gian cúng Tất niên vào chiều 30 khi nhà cửa đã dọn dẹp xong xuôi, trang hoàng hương đèn, hoa tươi, mâm ngũ quả đón Tết.
Bàn thờ Tất niên có hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và hai bát hương, trước có hai ly nước trong (nước thiêng). Phía sau đèn thường có hai cành hoa cúc giấy hoặc “cành vàng lá ngọc” bằng vàng mã. Giữa bàn thờ là khúc trầm hương hình trôn ốc, mâm ngũ quả, hai bên bàn đặt hai cây mía làm gậy cho các cụ.
Ngoài trầu cau, bánh chưng, lễ Tất niên còn có cỗ mặn: xôi gấc, thịt gà, giò chả, nem, canh măng, miến… Ngày 30 Tết, nhiều gia đình còn có lễ Chạp (Tảo mộ): thăm, sửa sang mộ phần, rước vong linh người đã khuất về hưởng Tết; hoặc có thể cúng tại gia vào chính ngọ (trưa).
3. Lễ cúng Giao thừa
Giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày mồng Một tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất dịp Tết. Để đánh dấu thời khắc này, dân gian làm hai mâm cỗ cúng Giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch: mâm cúng bàn thờ gia tiên trong nhà và mâm cúng thiên địa ở sân trước.
Mâm lễ gồm hương, hoa, đèn, nến, bánh chưng, đĩa xôi gấc, vàng mã và các món ăn mặn ngày Tết. Tuy nhiên, lễ vật quan trọng nhất mâm lễ là con gà trống hoặc chân giò heo (năm xung với gà thì cúng lợn và ngược lại).
Gà cúng Giao thừa là gà giò (gà trống choai, không cúng gà mái) nặng chừng 1,2 -1,5 kg. Đem gà mổ moi, luộc chín, bày ra đĩa cùng tiết, lòng bày dưới bụng. Chùa chiền cũng cúng Giao thừa nhưng lễ vật là đồ chay.
4. Lễ Tân niên
Lễ Tân niên thường được cúng vào mồng Một, mồng Hai và mồng Ba nhưng quan trọng nhất là lễ cúng mồng Một Tết. Lễ cúng Tân niên thường diễn ra vào buổi sáng, cỗ cúng có đầy đủ các món ăn của ngày Tết. Sau khi cúng xong, con cháu thụ lộc tổ tiên rồi mới đi chúc Tết, thăm họ hàng. Mồng Hai, mồng Ba Tết cũng cúng tương tự mỗi ngày một lần.
Ở một số vùng như Nam Trung Bộ, mâm cúng mồng Một là cỗ chay: bánh kẹo, bánh chưng chay (nhân đậu). Đặc trưng trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của người Việt chính là mâm cỗ Tết. Mỗi vùng một phong tục khác. Tuy nhiên, mâm cỗ ngày Tết nhìn chung không thể thiếu các món thịt gà, bánh chưng, dưa hành, dưa kiệu. Miền Bắc có thêm xôi gấc, nộm, chả giò. Miền Nam là món khổ qua nhồi thịt, thị kho tàu…
5. Lễ Hóa vàng
Lễ Hóa vàng tiến hành vào mồng Ba Tết hoặc mồng ngày khai hạ (mồng Bảy Tết). Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tạ tổ tiên và đốt nhiều vàng mã để tiền nhần mang về cõi âm.
Tại một số vùng đồng bằng Bắc bộ, dân gian có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia. Lễ vật dâng cúng trong lễ Hóa vàng gồm hương, hoa, nước quả (ngũ quả), trầu cau, rượu, đèn, nến, bánh kẹo; cỗ mặn: xôi, gà, bánh chưng. Trong lễ Hóa vàng, gia chủ phải bày lên mâm cúng tất cả các món có trong nhà vào dịp Tết mà chưa kịp dâng lên tổ tiên.
Theo Thế giới gia đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét