Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Ngoại ngữ và Tin học - Chìa khóa cho Sinh Viên hội nhập

Ngoại ngữ và Tin học - Chìa khóa cho SV hội nhập

Một thực tế là phần lớn SV Việt Nam rất yếu ngoại ngữ và tin học. Trong khi đó, trong thời đại hội nhập mọi mặt như ngày nay, đây lại là hai nhân tố có vai trò rất lớn trong việc quyết định việc các bạn trẻ có thể học hỏi kinh nghiệm từ thế giới, hội nhập vào sân chơi chung trong bối cảnh “thế giới phẳng” hay không?



Vậy thì tạo sao bạn không dùng thời gian nghỉ hè này để bổ túc thêm vốn ngoại ngữ và tin học nhỉ?


Một câu nói mà SV vẫn luôn truyền miệng nhau là “Nhất tiếng Anh, nhì tin học”. Đặc biệt, các bạn SV khi ra trường càng thấm thía hơn với câu nói này. Rõ ràng, SV hiện nay ý thức rất rõ vai trò quan trọng của hai môn “chìa khóa” này. Tuy nhiên, không ít các tân cử nhân vẫn sớm bị loại khỏi các cuộc tuyển dụng chì vì vốn tiếng Anh nghèo nàn và kỹ năng tin học yếu…


1. Không xin được việc làm chỉ vì yếu ngoại ngữ



Hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông nhất trên thế giới và nó cũng là ngoại ngữ phổ biến ở Việt Nam. Phần lớn các công ty khi tuyển dụng đều yêu cầu trình độ Anh ngữ từ phía ứng viên. Chính vì vậy, thông thạo tiếng Anh sẽ là một lợi thế rất lớn cho việc xin việc làm cũng như nắm bắt được nhiều cơ hội khởi nghiệp từ sự hội nhập toàn cầu ngày nay.


Có bằng B, bằng C ngoại ngữ không có nghĩa là bạn giỏi ngoại ngữ. Vân - SV năm cuối khoa Xã hội học - Học viện Báo chí Tuyên truyền bộc bạch: “SV năm cuối bọn em ngoài việc học trên giảng đường, đi làm thêm còn phải chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp nên ai cũng bận, làm gì có thời gian đầu tư cho tiếng Anh. Hơn nữa, bằng A, B, C tiếng Anh bây giờ nhan nhản, chỉ cần 300.000đ là có ngay một tấm bằng mới tinh, đóng dấu đỏ do trung tâm ngoại ngữ cấp đàng hoàng. Chỉ sợ nhất là họ thi tuyển, chứ xét bằng thì chẳng lo”. Tương tự như Vân, Ngay từ năm thứ nhất ĐH, M.Trang (ĐH.KTQD) đã đăng ký lớp học tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ. Sau bốn năm học ĐH và 3 năm “cày cuốc tiếng Anh” ở trung tâm, đến khi tốt nghiệp, không hiểu sao M.Trang vẫn nhận được những cái lắc đầu từ phía nhà tuyển dụng. Hỏi ra mới biết thì ra tấm bằng C tiếng Anh ở trung tâm chỉ là “đi học đóng tiền thì người ta cấp cho” chứ thực tế “trung tâm không kiểm tra sĩ số, lực học cũng không đánh giá qua điểm nên dần mình chán rồi bỏ học suốt…”. Chính vì vậy, ngay từ đầu, các bác hãy xác định cho mình rằng mình ngoại ngữ để lấy về khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt chứ không phải học để lấy cái bằng cho đầu đủ hoặc hợp thức hóa hồ sơ xin việc.


Ông Nguyễn Vĩnh Hiệp - Giám đốc Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Tân Việt cho biết: “Công ty chúng tôi rất cần một người có khả năng làm việc văn phòng và kiêm giao dịch mua bản quyền sách vẫn chưa tuyển được người ưng ý. Công việc không quá khó nhưng cần người có khả năng giao tiếp tiếng Anh bằng email tốt và biết cách tìm kiếm thông tin trên mạng. Nhiều SV đến xin việc có khả năng làm việc văn phòng nhưng không kiêm được công việc này nên hiện tại chúng tôi vẫn phải nhờ những cộng tác viên…”


a. Học ngoại ngữ, trước hết chúng ta nên hiểu 2 nguyên tắc sau:


- Học ngoại ngữ trước tiên phải học nghe, nói. Việc đầu tiên, chúng ta cần chú ý tập nghe để hiểu và đồng thời là nói được một số câu hết sức thông dụng và đơn giản. Sau đó chúng ta mới rèn luyện đến kỹ năng viết. Đây là một yếu điểm của chương trình giáo dục ngoại ngữ trong nhà trường, chỉ chú trọng dạy từ ngữ, ngữ pháp mà ít quan tâm đến việc dạy nghe, nói.


- Ngôn ngữ còn là một tập hợp của thói quen. Vì vậy, cần phải rèn luyện, bắt chước và học thuộc những câu đối thoại trong sách, đồng thời tập đọc lớn tiếng những câu mẫu cho tới khi tạo được phản ứng máy móc qua bộ óc của chúng ta một cách tinh nhuệ như chúng ta đang nói tiếng mẹ đẻ vậy.


b. Nên có các phương tiện hỗ trợ hoàn bị


- Băng nghe:
+ Nên chọn những băng có giọng đọc chuẩn, chính xác, rõ ràng và hay. Đừng tưởng băng nào cũng giống nhau. Nếu có thể bạn nên nghe qua, chon lọc trước khi mua.
+ Có loại băng nghe chậm, có loại băng nghe nhanh. Dù sao bạn cũng nên “làm quen” cả hai loại băng. Bước đầu bạn nghe băng chậm trước, một khi đã quen rồi đã thành thạo rồi, hãy nghe băng nhanh. Bằng cách nào, miễn bạn nghe được, hiểu được là tốt.


- Phim ảnh:
Trước tiên, để cho dễ hiểu, dễ tiếp thu, bạn hãy chọn những cuộn phim nước ngoài gồm những mẩu chuyện nhỏ, đơn giản có nhiều từ vựng thông thường giúp bạn dễ hiểu. Dần dần bạn sẽ sử dụng những bộ phim có vốn từ phức tạp hơn, phổ thông hơn.


- Sách tham khảo:
Có khá nhiều sách nhằm cung cấp cho yêu cầu học ngoại ngữ. Vì vậy, bạn nên cẩn trọng khôn ngoan trong việc chọn sách. Nên tìm đọc những sách của tác giả uy tín. Nên biết mình mua thể loại nào, cung cấp cho bạn kiến thức gì. Đành rằng cần nhiều sách để tham khảo nhưng không phải bạ sách ngoại ngữ nào là cũng mua.


c. Học thuộc từ vựng song song với các câu mẫu
Muốn thành thạo ngoại ngữ bạn không thể thiếu những yêu cầu này là nên học từ vựng song song với câu mẫu. Hay nói một cách khác: trong câu mẫu có lồng từ vựng. Và như vậy để hiểu được câu, bạn phải thuộc từ vựng trước đã.


d. Học từ vựng một cách có hệ thống
Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình. Khi học từ vựng, bạn hãy bố trí sổ ghi chép của mình sao cho hợp lý. Đừng liệt kê một dãy dài các từ, ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra thành từng mục chẳng hạn như khi học tiếng Anh:
Chủ đề: shopping, holidays, money vv…
+Động từ và danh từ đi liền kề: do your homework, make a cake vv…
+Thành ngữ: once in a blue moon, to be over the moon, out of the blue vv…
+Ngữ có giới từ: at night, at the weekend, in March, in 2003 vv…..


e. Tạo ra cho mình một môi trường ngoại ngữ
Một doanh nhân thành đạt người Tây Ban Nha đã học tiếng Anh bằng cách dán những mẩu giấy vàng khắp nơi trong nhà mình để đi tới đâu dù là xuống bếp pha một tách cà phê, vào nhà tắm cạo râu hay dùng điều khiển ti-vi để đổi kênh, anh đều nhìn thấy những từ ghi trên đó. Khi anh đã thuộc những từ này rồi, anh thay bằng những từ mới. Bằng cách này, ngày nào anh cũng học được khoảng 10 từ, cả 7 ngày trong tuần. Bạn hãy tranh thủ đọc, nghe và nói ngoại ngữ ở mọi nơi, mọi lúc.


f. Hãy nối mạng
Một cô gái người ngoại thành Hà Nội. Cứ 3 lần một tuần, cô đi xe máy đến một nơi mà cô có thể nói tiếng Anh với những người bạn của mình tại Anh, Úc và Mỹ. Đó là một quán cà phê Internet có dịch vụ voice chat.
Internet đã mang đến nhiều lợi ích cho người học ngoại ngữ. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website hữu dụng để học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và bây giờ, quan trọng hơn cả là: giao tiếp.


g. Phải trau dồi liên tục
Nếu bạn hiếm hoi thời gian trong ngày, bạn có thể rút bớt thời gian dành cho môn rèn luyện ngoại ngữ. Nhưng ngày nào bạn cũng phải có thời gian học liên tục. Vì nếu một ngày bạn quên học, vốn ngoại ngữ trong đầu bạn sẽ không nhạy nữa.
Học ngoại ngữ giống như chiếc xe cần bôi dầu mỡ hàng ngày, nếu không nó sẽ trở nên rỉ sét và khó khởi động.


h. Và cuối cùng, dù cho có phương pháp học tốt nhưng tinh thần, thái độ học tập không tốt thì cũng không đem lại hiệu quả. Vì vậy, hãy tạo cho mình sự hứng thú, niềm yêu thích và tinh thần sảng khoái khi học ngoại ngữ.


2. Tin học – Chìa khóa mở của vào thời @


Không kém gì ngoại ngữ, các nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi các ứng viên có kiến thức về tin học để sử dụng máy tính, các phần mềm văn phòng, sử dụng internet thành thạo. Không chỉ để xin việc, các bạn SV cũng nên ý thức được rằng việc sử dụng máy tính và internet thành thạo sẽ là một công cụ hữu hiệu phục vụ không chỉ cho công việc mà cho cả cuộc sống hàng ngày của bạn, là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội trong thời đại thế giới đang “phẳng” ra. Một nhân tố quyết định khiến cho thế giới trở nên “phẳng” chính là sự phát triển của công nghệ thông tin mà đặc biệt là việc nối mạng internet toàn cầu.


Ngoại ngữ và tin học có mối quan hệ khá gần gũi với nhau. Nếu bạn giỏi tiếng Anh thì bạn có thể tiếp cận rất nhanh với những kiến thức tin học, có thể sử dụng hiệu quả các phần mềm ứng dụng phức tạp. Ngược lại, nếu bạn rành về tin học, internet, bạn có thể học ngoại ngữ qua các phần mềm hỗ trợ, các website học trực tuyến…


Ngày nay, xuất hiện một tầng lớp là “công dân thế giới”. Đó là những người có tầm nhìn chiến lược toàn cầu, có tư duy toàn cầu, họ làm những công việc vì lợi ích chung của toàn cầu, có thể làm việc tại nhiều nơi trên thế giới, hợp tác trong các dự án, các công việc mang tính quốc tế. Để có thể trở thành một công dân toàn cầu như vậy, họ phải nắm vững các công cụ hỗ trợ, và 2 công cụ cần thiết nhất chính là ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh và tin học. Một khi đã nắm vững 2 công cụ này, cộng với năng lực chuyên môn, bạn có thể hội nhập một cách dễ dàng vào thế giới rộng lớn, có thể nắm bắt được nhiều cơ hội hơn bởi nguồn thông tin đồ sộ trên internet là không của riêng ai, nhưng chỉ những người thông thạo ngoại ngữ và tin học mới có thể khai thác triệt để chúng.


Nguyễn Trọng
Trích: FORUM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét