Đó là một trong những yêu cầu của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 3 (khóa IV) vừa tổ chức họp tại Hà Nội, do Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT, Hội Người Cao tuổi Việt Nam...
Các đại biểu dự hội nghị Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 3 (khóa IV).
Hội nghị Ban chấp hành lần này ngoài việc thảo luận báo cáo tổng kết công tác năm 2011 và phương hướng hoạt động năm 2012, Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả về phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện mới là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định rõ hướng phát triển xã hội học tập và xác định vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học Việt Nam (HKHVN) trong cuộc vận động nhân dân học tập; Nhà nước đã công nhận HKHVN là một tổ chức xã hội mang tính đặc thù, hoạt động trong phạm vi toàn quốc.
Hội nghị đã nhất trí những đánh giá và thành quả của phong trào khuyến học năm 2011 như chỉ tiêu phát triển hội viên đã đạt tỷ lệ hơn 10 % dân số; quĩ khuyến học đạt mức trên 10.000đ/một người dân, vượt mức Đại hội đại biểu toàn quốc HKHVN lần thứ IV đề ra. Tổ chức cơ sở của Hội được thành lập tại 98,2% xã, phường, thị trấn, 28.453 trường học và 93.247 cụm dân cư, cơ quan, xí nghiệp đã có chi hội hoặc ban khuyến học.
Tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định: “Có được những thành quả như trên, trước hết là do các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm đến sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Chỉ thị 11 của Bộ chính trị và văn kiện Đại hội Đảng các khóa IX, X, XI nhấn mạnh về hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là cơ sở chính trị quan trọng, là định hướng cho Hội triển khai công tác khuyến học, khuyến tài đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng tình và hưởng ứn. Hội có đội ngũ cán bộ tâm huyết, đầy trách nhiệm trước nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập; mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội Khuyến học với cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính tri, xã hội... đặc biệt là sự hợp tác và hỗ trợ của Ngành giáo dục đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội Khuyến học, đóng góp thiết thực cho việc hỗ trợ hệ thống giáo dục trong nhà trường và cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục”.
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại hội nghị.
Thống nhất các ý kiến tại hội nghị về phương hướng nhiệm vụ khuyến học năm 2012, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm đề nghị thực hiện 3 vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, Hội cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, nhân dân về sự cần thiết phải xây dựng xã hội học tập để thực hiện chủ trương hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
Thứ hai, phải xác định Trung tâm học tập cộng đồng là một thiết chế giáo dục và là cơ sở của xây dựng xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Đề án xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam do Hội Khuyến học chủ trì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập, nhiệm vụ của Hội là tư vấn cho Đảng, Nhà nước đưa ra các chủ trương, việc triển khai thực hiện sẽ do Ban chỉ đạo điều hành, Hội giữ vai trò nòng cốt liên kết trong việc vận động xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, các cấp Hội phải đổi mới phương thức hoạt động, đưa các phong trào đi vào chiều sâu để nâng cao chất lượng và hiệu quả; cán bộ, hội viên Hội Khuyến học phải tích cực tham gia cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để xứng tầm là hội viên của một hội đặc thù.
Lương Thanh Sở- Dantri.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét