Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - Từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam hiện nay


Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - Từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam hiện nay
TS. Phạm Ngọc Dũng (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011

Xem thêm: http://kenhdaihoc.com/forum/forums/530-Lich-su-dang.kdh

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức rõ được vai trò quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong giai đoạn hiện nay và trong nhiều năm tới đối với một nước nông nghiệp như nước ta, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện đường lối đổi mới, công nghệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, sau khi có nghị quyết về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010, nông nghiệp, nông thôn nước ta có bước phát triển mới, đạt được những thành tựu to lớn. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,… Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam hiện nay” do TS. Phạm Ngọc Dũng (Chủ biên). Với hơn 200 trang, ngoài phần giới thiệu, tài liệu tham khảo, cuốn sách gồm ba chương:


Chương I: Cơ sở lý luận và thực tiễn xem xét, đánh giá kinh tế, xã hội trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn


Trước tiên, các tác giả đưa ra khái niệm về công nghiệp hóa. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau, dựa trên các tiêu chí khác nhau như: định nghĩa của Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, định nghĩa qua các thời kỳ lịch sử… Học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, dựa trên thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm tạo ra năng xuất lao động xã hội cao”.


Các tác giả cũng chỉ ra những đặc điểm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay là: công nghiệp hóa phải gắn liền với hiện đại hóa; phải đặt trong điều kiện kinh tế thị trường có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước; công nghiệp hóa không xuất phát từ ý chủ quan của Nhà nước, mà nó phải trên cơ sở của các quy luật kinh tế khách quan; công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, vì thế mở cửa là tất yếu.


Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa các tác giả chú ý tới việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Phát triển bền vững là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Phát triển bền vững phải có tính liên tục, phải đảm bảo phát triển kinh tế có hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ. Muốn vậy, “các hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế phải bắt tay nhau thực hiện điều đó”.


Tiếp theo, các tác giả chỉ ra những nhân tố chi phối đến khả năng khắc phục, phát triển kinh tế, xã hội bền vững ở nông thôn. Trong phần viết này, các nhà nghiên cứu chỉ ra hai nguyên nhân: cơ chế chất lượng cao và bình đẳng trong phân phối thu nhập, nhưng quan trọng nhất là cơ chế chất lượng cao. Đây là nhân tố quan trọng nhất chi phối đến khả năng khắc phục, phát triển kinh tế, xã hội bền vững ở nông thôn Việt nam hiện nay vì: hoạt động kinh tế thị trường đi liền với sự rủi ro; sự phân công xã hội ngày càng cao, sự hội nhập với thế giới càng sâu thì chi phí giao dịch giữa các khâu càng cao. Các tiền đề để tạo cơ chế mới, có chất lượng cao là: tính dân chủ, ý kiến của các chuyên gia được các chính khách tôn trọng và tận dụng, phải có đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý giỏi thật sự để quá trình đặt ra các chính sách và thực hiện chính sách có hiệu quả.







Chương II: Thực trạng kinh tế, xã hội ở nông thôn Việt Nam trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa


Trong chương này, các tác giả trình bày hai vấn đề. Thứ nhất: Chủ trương công nghệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm qua.


Ở phần này, các tác giả có một cái nhìn xâu chuỗi về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiêp, nông thôn từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960) đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011). Từ định hướng của Đảng về quan hệ công – nông nghiệp, qua các Đại hội và các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, các tác giả cho ta thấy sự thay đổi tư duy lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ. Bắt đầu từ ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ (1960) đến tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu (1982), rồi phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để ổn định tình hình kinh tế, xã hội (1991) tiếp đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp nông thôn và nông dân (2006). Phát triển nông- lâm- ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết vấn đề nông dân, nông thôn.


Việc xác định vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ đổi mới là thực tế khách quan. Với tỷ lệ lớn dân cư nông thôn hiện nay, không có sự giàu có của nông dân, thì không có sự giàu có của đất nước, không có hiện đại hóa nông thôn, thì không có hiện đại hóa quốc gia.


Thứ hai: Thành quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.


Cùng với đổi mới nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Cụ thể là: tăng trưởng kinh tế nông nghiệp cao và liên tục trong nhiều năm, bảo đảm phát triển ổn định kinh tế đất nước; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại hóa, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao; đời sống kinh tế, xã hội nông thôn có nhiều cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm; văn hóa xã hội nông thôn Việt Nam biến đổi theo hướng tích cực.


Bên cạnh các chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thì các tác giả cũng chỉ rõ thực trạng một số vấn đề xã hội bức xúc nảy sinh trong thực hiện công nghiệp hóa ở nông thôn Việt Nam. Đó là: tính trạng mất đất, thiếu việc làm ở nông thôn ngày càng nghiêm trọng, hiện tượng ly nông ra các đô thị kiếm sống rất lớn; phân hóa giàu - nghèo bất bình đẳng xã hội gia tăng; môi trường nông thôn bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng; đời sống văn hóa xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp.


Chương III: Một số quan điểm, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội nông thôn Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững


Để phát triển kinh tế, xã hội nông thôn theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững từ nay đến năm 2020, thì phải lấy nông dân làm trung tâm. Do đó, cần quán triệt các quan điểm: xác định rõ tầm quan trọng và bản chất của phát triển kinh tế, xã hội nông thôn bền vững; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bền vững phải là cơ sở của các giải pháp khắc phục và phát triển kinh tế, xã hội; xuất phát từ nhu cầu nội tại của bản thân các địa phương, tìm những giải pháp ở nông thôn Việt Nam mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng con đường tất yếu kinh tế; có cách nhìn mới về tiến hóa.


Trên cơ sở phân tích, làm rõ vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm khắc phục tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, phân hóa giàu - nghèo, bất bình đẳng xã hội, môi trường nông thôn bị ô nhiễm và suy thoái văn hóa ở nông thôn, các tác giả đã đưa ra một số nhóm giải pháp sau:


Thứ nhất: Nhóm giải pháp chung, đổi mới và hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý và môi trường kinh tế.


- Phát huy những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (tiềm năng lao động, nguồn vốn, thị trường, công nghệ, tài nguyên, thể chế), giải pháp khắc phục chênh lệch và bất bình đẳng kinh tế ở nông thôn (kiên trì phân phối theo lao động, khắc phục chênh lệch kinh tế theo hướng ưu tiên hiệu quả, loại bỏ bất bình đẳng kinh tế, xây dựng và kiện toàn hệ thống bảo hiểm xã hội ứng với nền kinh tế thị trường…).


Thứ hai: Nhóm giải pháp khắc phục bức xúc về kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường.


- Giải pháp khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường.


- Giải pháp giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống nông thôn Việt Nam


- Giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp trong qua trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.


Cuốn sách “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam hiện nay” là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giảng dạy và những người quan tâm đến vấn đề công nghiệp hoa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam


Nếu bạn thấy bài viết này hay và có ích với bạn hãy nhấn nhấn "Thank" và chia sẻ bài viết này nhé 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét